Nhưng tìm mãi vẫn không trái nào ưng ý như mùi vị của quê hương,ùasầuriêngchíghế ngồi bệt càng khiến lòng tôi nao nao nhung nhớ Bình Phước, vùng quê nắng gió bao năm xa cách.
Tháng năm ở Bình Phước, khi những con suối sắp cạn khô phơi mình chờ mưa tới, những trái cà phê, hồ tiêu non chi chít đậu đầy cành, thì sầu riêng cũng bắt đầu rụng những trái đầu mùa. Theo lời mẹ tôi kể lại thì những năm mới theo chân đoàn người làm kinh tế mới vào Bình Phước, bố mẹ tôi thường đi làm thuê cho nhà vườn lân cận. Một lần tình cờ, làm thuê cho ông chủ vườn, thấy một thân cây cao vút, quả thì đầy gai, bố mẹ tôi tò mò đứng nhìn xem cây gì trông lạ như thế. Ông chủ vườn vốn là người gốc ở Bình Dương, xởi lởi cho bố mẹ vài miếng ăn thử, rồi khoan thai giải thích: "Cây này gọi là sầu riêng, một loại cây ăn quả quen thuộc của người miền Nam. Hai cháu từ miền Bắc vào nên thấy hơi lạ, đúng không?".
Cầm những múi sầu riêng mềm mại, vàng ươm, bố mẹ tôi khẽ khàng nếm thử thì thấy vị ngọt đậm đà, thơm béo. Chính điều này khiến bố mẹ càng quyết tâm trồng bằng được một vườn sầu riêng cho riêng mình.
Sầu riêng là một thức quả mang hương vị đặc trưng. Người yêu thích sẽ cực kỳ say mê, nhưng người không quen cũng dễ rùng mình e dè. Dẫu không phải ai cũng có thể thích ứng được với vị sầu riêng ngay lần thưởng thức đầu tiên, nhưng chỉ cần chịu khó ăn thử sẽ cảm nhận được hương vị gây thương nhớ.
Đầu hè, những cơn mưa đầu mùa ngày một nhiều hơn trên đất Bình Phước khiến cây sầu riêng cao lên vòi vọi. Chỉ độ một thời gian sau, cây bắt đầu đơm hoa. Hoa sầu riêng khi nở rộ, thơm không kém gì hoa bưởi, hoa cau. Thi thoảng, lúc đêm đến, khi một làn gió nhẹ lướt qua, những cánh hoa sẽ khẽ khàng chạm đất trắng muốt một góc vườn.
Khi trời vừa chập choạng tối, bố mẹ tôi lại chuẩn bị hành trang gồm một chiếc đèn pin để chiếu sáng và một chổi lông mềm để quét phấn hoa. Bố tôi thường bảo công việc thụ phấn cho cây sầu riêng không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì khá lớn. Không những hoa sầu riêng khá nhỏ mà có những cây sầu riêng lâu năm, hoa mọc ở vị trí cao và khó nhìn thấy, bố mẹ tôi phải leo lên cây và tỉ mỉ xem xét từng cành, sử dụng sào mới có thể thụ phấn được hết cho các chùm hoa.
Tuy nhiên, công sức bao giờ cũng được đền đáp. Chỉ sau vài tuần khi nở rộ, hoa sẽ bắt đầu kết quả. Những quả non trĩu trịt màu xanh đậm bám đầy trên cành, và cứ thế lớn dần lên trong nắng gió miền Đông Nam bộ.
Quả sầu riêng chín thường rụng về đêm nên người làm vườn thường chờ sáng ra tìm ở từng gốc cây thế nào cũng nhặt được vô số quả. Thông thường, chỉ cần chặt nhẹ ở đầu quả rồi khui ra, bên trong lớp gai sẽ thấy rõ lớp cơm vàng căng mịn, nồng đượm hương thơm đầy mê hoặc.
Ngày còn ở nhà, anh em tôi thường được mẹ giao cho một cái gùi để đi vòng quanh vườn, tìm nhặt những trái sầu riêng chín rụng. Sầu riêng được bọn trẻ con gùi về nhà phải phân loại rõ ràng. Trái nào to căng, hơn 1,2 kg còn gọi là sầu riêng loại một, được thương lái chào đón nhiều nhất. Tiếp theo là những trái nhỏ hơn, cong queo, hộc không căng đều thì bị xếp loại "hàng hai", được bán với giá thấp hơn. Riêng những trái bị nứt hoặc có nhiều vết nấm xuất hiện trên vỏ trái đều không bán được.
Sầu riêng vào những năm ấy thường không bán được giá nên công sức của người nông dân bỏ ra nhiều nhưng đôi khi chẳng thu được bao nhiêu. Đó là chưa kể vào những mùa thời tiết thất thường, gió mùa thổi nhiều khiến cành xoạc, quả xanh rụng đầy gốc. Bọn trẻ con chúng tôi khẽ khàng lấy dao bổ vài quả còn non, tách múi, gỡ phần cơm ra để xào với mỡ hành. Ngoài ra, hạt sầu riêng non xắt mỏng xào lên cũng rất thơm bùi.
Qua thời gian, vị thế của sầu riêng cũng ngày càng được nâng cao. Sầu riêng không chỉ là thức quà đặc trưng do thiên nhiên ban tặng vùng đất đầy nắng gió quê tôi mà còn góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Lòng tôi lại miên man nhớ về một khoảng trời thơ ấu, nơi có bố mẹ cùng gia đình và hương thơm sầu riêng mê hoặc đến nao lòng. Chợt muốn bắt một chuyến xe quay về Bình Phước, ngồi cạnh bố mẹ bên khu vườn sầu riêng xanh mướt ngày nào.